Văn hóa

Chùa Ông Thu Xà

avatar
QUẢNG NGÃI 76

Quê hương tôi


  • 23-12-24 10:08:39
  • Online: 35
  • Today: 403
  • Total: 151823

Chùa Ông ở Quảng Ngãi thường gọi là Chùa Ông Thu Xà để dễ phân biệt với các tỉnh thành khác. Đây là ngôi chùa cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến nay, và đã được công nhận Di tích quốc gia từ năm 1993. Chùa có sự giao thoa, kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc của người Việt và người Hoa trong một tổng thể giàu tính thẩm mỹ.

Khởi phát, khu di tích chùa Ông Quảng Ngãi vốn được 4 bang người Hoa Minh hương (Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông) sống tại vùng Thu Xà kiến lập vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) và đã trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1881, 1894, 1920, 1991.



Chùa Ông Thu Xà thờ Quan Công, Phật Quan Âm Nam Hải và bà Thiên Hậu, nên cũng phù hợp với tín ngưỡng và niềm tin của người Việt, đặc biệt là cư dân vùng ven biển. Vì vậy, chùa dần đã trở thành nơi thờ phụng chung cho người Việt lẫn người Hoa.

Giới thiệu Chùa Ông Thu Xà

Về quy mô, theo hồ sơ của Bảo tàng tổng hợp tỉnh giới thiệu về chùa Ông Quảng Ngãi thì ngôi chùa có tổng diện tích 2.730m2, bao gồm các khu vực chính là tam quan, sân vườn và chùa. Tất cả được bao bọc bởi vòng thành cao 1.2m, dày 0.5m theo kiểu chấn song con tiện. Chùa quay mặt về hướng Đông.



- Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc của chùa được bố trí trên một trục đạo, bố cục chặt chẽ, đăng đối theo tuần tự gồm: cổng tam quan, bình phong - trụ biểu, lầu trống - lầu chuông và chùa. Hai bên tả hữu cổng tam quan là miếu thờ bà Thiên Hậu. Phía sau chùa là miếu thờ Tiêu Diện Đại Sỹ.

Ngoài ra, chùa Ông Quảng Ngãi hiện còn lưu giữ 6 bia đá, văn bia chữ Hán, tạo dựng vào các năm 1895 (Thành Thái thứ 7), 1920 (Khải Định thứ 5). Trên các bia đá được chạm nổi lưỡng long tranh châu ở trán bia; diềm bia trang trí đầu rồng, mình quấn dây leo thực vật.

Kiến trúc Chùa Ông Thu Xà
Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ tam gồm ba nhà liên kết nhau: tiền đường, chánh điện và hậu cung:

Tiền đường chùa Ông Thu Xà : Trên đỉnh bờ mái đắp nổi 3 chữ Hán “Quan Thánh Tự”. Nhà có 18 cột chia làm ba gian, hai chái. Khung nhà gồm 4 bộ vì kèo vỏ cua kiểu chồng rường giả thủ, chạm nổi đầu rồng với các đám mây lửa, các đường viền dây leo thực vật. Mặt trính (hoành) chạm nổi hình hoa cúc tám cánh sắc nét và sinh động.



- Vách tiền đường có cửa bàn khoa, kiểu gỗ chấn song thấp thường thấy ở Quảng Ngãi trước đây. Hai bên cửa, các liên ba đố bảng được trang trí theo 3 chủ đề: bát bửu, tứ linh và dây leo thực vật. Phần giữa của 2 dãy liên ba đố bảng được chạm nổi họa tiết lưỡng long tranh châu, bên dưới gắn bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Chánh điện chùa Ông Thu Xà : Gồm 12 cột và chia làm 3 gian: Gian thờ Quan Công ở giữa, tạo sự riêng biệt bằng 4 cột to, cao. Đầu cột nâng bộ vì kèo chồng rường chày cối, gắn “cánh dơi” ở đầu trụ chồng. Đế trụ chồng hình khối, chạm nổi dây leo thực vật. Bộ vì kèo chồng rường chày cối nâng mái lên cao đồng thời mở mái phía trước theo dạng chấn song con tiện để đưa ánh sáng và không khí vào chánh điện.

- Vách gỗ sau chánh điện trang trí ô hộc. Giữa vách là khám thờ Quan Công, cao hơn 2m, bằng gỗ, sơn son thếp vàng, khắc chạm mô típ lưỡng long tranh châu ở đỉnh, hai bên chạm lộng cành mai - hoa cúc, đầu rồng - đuôi dây leo.


Hậu cung chùa Ông Thu Xà : có 3 gian, bộ khung có 8 cột vuông, chống đỡ 4 vì trính chuyền xuyên suốt lòng nhà. Trính chuyền gác lên đầu cột và vách, đỡ bộ vì kèo cánh ác nhờ hai cột trốn. Đỉnh vì kèo cánh ác có hoành ngang giằng giữ và đỡ bộ vì chồng rường trái bí.

- Gian chính thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát và Chuẩn Đề Bồ Tát, giữa có bức họa Đạt Ma Tổ Sư qua sông. Hai gian phụ hai bên thờ cụm tượng Thiên Hậu và Kim Đẩu. Các tượng thờ làm bằng đồng, gỗ hoặc đất nung, chế tác công phu, biểu cảm, nhiều kích cỡ khác nhau. Mặc dù liên kết với nhà chánh điện trong một chỉnh thể kiến trúc, song hậu cung lại thờ Phật, mặt tiền hướng về phía tây có gắn ba chữ Quang Minh tự.



Như vậy, bên cạnh cấu kiện và vật liệu chủ yếu của nhà rường truyền thống ở miền Trung (các vì kèo chồng rường chày cối, vì kèo chồng rường giả thủ), kiến trúc chùa Ông Quảng Ngãi còn có sự xuất hiện vì kèo trốn trính chuyền của đồng bằng Bắc Bộ và bộ vì kèo chồng rường trái bí phong cách Hoa Bắc.

- Và nghệ thuật trang trí ở chùa Ông Quảng Ngãi đã đạt đến trình độ tinh xảo, đặc biệt là kỹ thuật đắp nổi, chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng trên các bình phong, vách gỗ, khám thờ, vì kèo, bẫy hiên, trụ chồng, tượng, diềm bia... thể hiện sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân thời bấy giờ.

Khu di tích chùa Ông Thu Xà ở Quảng Ngãi là một trong những điểm tâm linh có tiếng, thu hút nhiều người đến chiêm bái, tham quan, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, lễ Phật đản, lễ Vu lan báo hiếu, các ngày sóc vọng...

avatar

Quảng Ngãi 76

Quê hương tôi
Xem bài viết

Chuyên trang cung cấp thông tin nổi bật tại Quảng Ngãi, với đội ngũ biên tập viên đông đảo có kiến thức chuyên môn, cung cấp những thông tin hữu ích, chính xác và cập nhật liên tục.

Chuyên mục
Sức khỏe
2
Giáo dục
6
Đặc sản
5
Công nghệ
1
Làm đẹp
1

Đăng ký nhận tin tức từ chúng tôi

Chúng tôi sẽ không làm phiền bạn
Bài viết khác

Biển Khe Hai

Image