Du lịch

Làng Gò Cỏ Sa Huỳnh

avatar
QUẢNG NGÃI 76

Quê hương tôi


  • 23-12-24 09:30:29
  • Online: 11
  • Today: 342
  • Total: 151762

Nếu bạn đang tìm kiếm một không gian để sống chậm lại, tạm gác những bộn bề náo nhiệt chốn thành thị để tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống bình yên nơi thôn dã, kiếm tìm những giá trị đích thực của cuộc sống và thỏa nỗi khát khao được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử hàng ngàn đời, thì Gò Cỏ chính là nơi dành cho bạn

Nằm ở vị trí trung tâm của không gian văn hóa Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía Nam, Gò Cỏ là một ngôi làng ven biển còn giữ nguyên được những nếp nhà mộc mạc, bình dị, gành đá hàng trăm triệu năm, thiên nhiên hoang sơ cùng những dấu tích còn sót lại của thời kỳ người Chăm Pa từng sinh sống. Không những thế, đây còn là một ngôi làng giàu truyền thống cách mạng với những con người kiên cường bám đất giữ làng trong suốt hai cuộc chiến tranh dữ dội của thế kỉ 20. 

Với những giá trị về cảnh quan, địa chất, văn hóa, lịch sử cùng những tài sản quý giá từ rừng vàng biển bạc và đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng bản địa, làng Gò Cỏ xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn trong di tích Quốc gia đặc biệt Văn hoá Sa Huỳnh. Ngôi làng giờ đây đang chuyển mình khoác lên tấm áo mới mang tên Công viên di sản làng bởi nơi đây tích hợp đầy đủ các giá trị của một công viên địa chất thu nhỏ ở quy mô của một ngôi làng.

Bài viết bên dưới sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết dành cho hành trình khám phá Công viên di sản làng Gò Cỏ.

1. Lên lịch đi Gò Cỏ ?

Khí hậu ở Gò Cỏ chia làm hai mùa rõ rệt do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và Tây Nam. 

Mùa khô (mùa hè) bắt đầu từ khoảng tháng 4 đến đầu tháng 9. Mùa này hầu như khô ráo, biển êm, trong xanh, nắng đẹp. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để du lịch Gò Cỏ. Vào đỉnh điểm của mùa nắng khoảng tháng 6 & 7, thời tiết trưa và chiều nắng mạnh, do đó du khách đến làng cần mang theo áo khoác che nắng, mũ, bình nước và kem chống nắng. (Lưu ý: Biển tháng 4&5 vẫn còn lạnh, nhưng trời đã nắng ráo, do đó bạn có thể cân nhắc việc đến tắm biển). Mùa này, nếu bạn dự định đón bình minh trên biển ở Gò Cỏ, bạn nên có mặt trước 05h20 và buổi chiều để ngắm hoàng hôn đẹp nhất thì khoảng 06h.

Mùa mưa (mùa đông) kéo dài khoảng từ tháng 10 đến tháng 2. Mùa này có thể có những cơn bão lớn kèm theo cái lạnh, biển động. Tuy nhiên do vị trí nằm trên gò cao, hình thái khu vực giống như một lòng chảo được che chắn bởi đồi núi xung quanh, nên Gỏ Cỏ cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi bão lũ. Tháng 3 đã không còn những cơn mưa, thời tiết dễ chịu, mát mẻ nhưng biển vẫn động, chưa thích hợp để tắm biển. 

Lưu ý: Bạn nên dành ít nhất 2 ngày để có thể check-in hết các điểm tham quan trong khu vực làng. Nếu bạn có nhiều thời gian hơn, có thể dành 4-5 ngày ở Gò Cỏ để cảm nhận rõ nhất cuộc sống sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương.

2. Phương tiện đến Gò Cỏ ?

Công viên di sản làng Gò Cỏ nằm trong dải đất Sa Huỳnh, theo cách gọi lâu đời của người dân địa phương, do đó khi hỏi đường đến Gò Cỏ, bạn nên đề cập đến Sa Huỳnh thì người địa phương sẽ dễ hình dung để chỉ đường cho bạn hơn. Các phương tiện để tới Gò Cỏ bao gồm:

Máy bay

Nếu muốn tiết kiệm thời gian, máy bay sẽ là lựa chọn tối ưu cho du khách. Bạn có thể bay tuyến Hà Nội/Hồ Chí Minh – Chu Lai của Vietjet và Vietnam Airline và di chuyển từ sân bay Chu Lai tới thành phố Quảng Ngãi cách khoảng 40km. Sau đó, bạn đi xe buýt tuyến số 2 thành phố Quảng Ngãi tới Sa Huỳnh khoảng 1 giờ 30 phút. Việc bắt xe buýt khá thuận tiện với giá vé chỉ dao động từ 7,000 VNĐ– 34,000 VNĐ. Ngoài ra bạn có thể chọn hạ cánh ở sân bay Phù Cát-Bình Định, sau đó di chuyển đến làng bằng xe khách hoặc thuê xe ô tô.

Xe khách

Xe khách cũng là một phương tiện khá thuận tiện để tới Gò Cỏ. Nếu du khách xuất phát từ phía Bắc có thể chọn các nhà xe như Hoàng Long, Sao Vàng, Chín Nghĩa, Phương Trang với giá vé chỉ dao động khoảng 400,000 – 550,000 VNĐ/1 người. Còn nếu du khách xuất phát từ phía Nam có thể ra bến xe miền Đông mua vé đi Sa Huỳnh, Quảng Ngãi của các hãng như Chín Nghĩa, Phương Trang, Tuấn Tú, Rạng Đông, Hoàng Huy…trong đó Chín Nghĩa là hãng xe phổ biến lớn nhất Quảng Ngãi. Giá vé cũng dao động tương tự như từ miền Bắc vào. Du khách lên xe từ chiều hôm trước và chỉ ngủ một đêm là sáng hôm sau đặt chân tới làng Gò Cỏ - Sa Huỳnh.

Tàu hỏa

Khi chọn phương tiện này bạn sẽ chọn điểm đến là ga Đức Phổ hoặc ga Quảng Ngãi, và sau đó xe đi xe buýt số 2 vế ngã ba Cây Xoài (TDP Long Thạnh I) trên đường quốc lộ rồi bắt xe ôm vào trong làng chỉ khoảng 5 phút. Đối với đoàn du khách đi xe ô tô từ 7-35 chỗ có thể chạy thẳng từ cung đường mới ven đầm An Khê vào trong làng và đậu xe tại điểm dừng chân đầu làng. Còn nếu bạn đi bộ từ ngoài ngã ba vào có thể đi thẳng tới điểm trường mầm non phường Phổ Thạnh, rẽ vào theo hướng mũi tên chỉ làng Gò Cỏ hoặc hỏi người dân hướng dẫn tới làng Gò Cỏ. Quãng đường đi bộ từ ngoài vào sẽ mất khoảng 15 phút.

Xe máy

Đối với những ai yêu thích phượt đường dài thì chạy xe máy đến làng Gò Cỏ cũng là một hình thức trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên với diện tích nhỏ và cũng để giữ một không gian yên tĩnh, không khói bụi cho làng, Gò Cỏ sẽ thích hợp đối với hình thức đi bộ tham quan trong làng, do đó bạn chỉ nên dừng đỗ xe tại điểm giữ xe đầu làng.

Các số điện thoại cần biết

Văn phòng Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ: 0255 6288 111 và 0963.883.663  (để sắp xếp homestay và dịch vụ cho du khách)
Ban an ninh tổ dân phố Long Thạnh 2: 0905 475 099
Tổ trưởng Tổ dân phố Long Thạnh 2: 039 8312 944

3. Đến Gò Cỏ tham quan những gì ?

Nằm ở vị trí trung tâm của di tích Quốc gia đặc biệt Văn hoá Sa Huỳnh, Gò Cỏ là miền đất của những nền văn hóa cổ, của gành đá hàng trăm triệu năm tuổi, của những con người mộc mạc giản dị mà cần cù, tháo vát, kiên cường trước những thách thức của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh dữ dội. Nơi đây đã chứng kiến sự tiếp biến của ba nền văn hóa Sa Huỳnh (khoảng 2000-3000 năm trước), sau đó là người Chăm Pa (từ thế kỷ VII – thế kỷ XV) và sau đó là người Đại Việt cho đến ngày nay.Các chuyên gia về khảo cổ học và sử học đã khẳng định sự tiếp biến của những nền văn hóa này thông qua các di tích được phát hiện tại khu vực Gò Cỏ và một số khu vực lân cận xung quanh.

Công trình bằng đá – Dấu tích về sự tồn tại của người Chăm Pa

Tới Gò Cỏ, bạn có thể dễ dàng nhận thấy đá hiện diện khắp mọi nơi trong làng. Đá là chất liệu để hình thành nên các công trình gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân như bờ rào, giếng cổ, bờ suối, đường đá cổ. Những công trình này, cùng nhiều dấu tích khác bằng đá còn sót lại trên khắp dải đất Sa Huỳnh như bia ký, cầu đá, giếng Chăm vuông…là minh chứng cho sự tồn tại của người Chăm Pa, lớp người đã sinh sống trên dải đất Sa Huỳnh trước khi người Việt di cư tới.

Giếng cổ đá

Hiện còn tồn tại 12 giếng cổ được phân bố rải rác trong phạm vi Công viên di sản làng Gò Cỏ. Đặc điểm chung của các giếng là thành giếng được tạo bởi đá granite xếp tầng một cách tự nhiên, vừa khít, không cần đẽo gọt hay dùng xi măng. Giếng được xây trên nền đá cứng, trên miệng các mạch nước ngầm và bên các con suối nhỏ chảy từ vùng gò cao. Trong 12 giếng cổ, một vài giếng được hình thành từ thời kì người Chăm Pa còn sinh sống tại làng (khoảng từ thế kỷ VII đến XV). Trước khi tổ tiên của người dân Gò Cỏ tới sinh sống tại làng, họ đã thấy sự tồn tại của những giếng này, đó là các giếng: giếng bà Thướng (nằm ở khu vực xóm dưới, cạnh bụi tre), giếng bà Mia (gần nhà bà Toàn), giếng ông Lịch (nằm gần Homestay Cây Ổi). Các giếng được gọi theo tên của người chủ vùng đất mà giếng đặt tại đó. Miệng giếng đã được người dân trám xi măng để tạo sự an toàn cho trẻ nhỏ khu vực gần đó. Còn lại là các giếng do người Việt đào và kế thừa lối kiến trúc của giếng Chăm, tức là kiến trúc đá xếp tầng với vị trí giếng trên các mạch nước ngầm. Có thể kể đến một số giếng đẹp như giếng ông Đường, giếng ông Quảng, giếng Bồ Đề, giếng ông Liên, giếng ông Tích,…

Hang, hầm đá trú ẩn – Qúa khứ dữ dội của bom đạn chiến tranh

Công viên di sản làng Gò Cỏ đẹp vì sự hoang sơ và yên bình, nhưng thật khó để tin rằng nơi đây từng là nơi bị tàn phá dữ dội của bom đạn trong thời chiến. Ký ức về chiến tranh vẫn còn hiện rõ trong lời kể của mỗi người con Gò Cỏ và hiện hữu trong những hang, hầm trú ẩn bằng đá còn lại trong làng. Đầu tiên có thể kể đến hầm đá trong nhà bà Chín, chủ nhà homestay Hầm Đá. Bà năm nay đã ngoài 90 tuổi, là mẹ liệt sĩ. Nếu gặp bà ở nhà, đừng ngại ghé vào nhà bà chơi, thăm hầm đá và ngồi nghe bà kể chuyện những năm chiến tranh ở làng. Ngoài hầm đá nhà bà Chín còn có các hầm đá khác xung quanh làng như Hầm trốn pháo số 1&2, hang cây Thị. Các hầm trốn pháo đều là hầm đá tự nhiên, có miệng hẹp, bên trong sâu khoảng 1-3m, chứa được từ 15-20 người, đều là nơi che chở, trú ẩn cho các gia đình khi làng bị bom đạn bắn phá.

Con đường đá cổ Chăm

Nhiều thế hệ Gò Cỏ đã truyền lại cho con cháu rằng đây là con đường đá cổ được hình thành từ thời kỳ của người Chăm Pa, cụ thể năm nào không ai biết. Con đường bắt đầu từ khu vực Xóm trên của làng Gò Cỏ kết nối với bãi biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, nơi có di tích bia ký Chăm Pa hàng nghìn năm tuổi. Đi trên con đường này vào những ngày hè, bạn sẽ bắt gặp cả một không gian sống động của thiên nhiên với nhiều loại cây rừng bụi, nào dứa dại, chà là, chùm chài dúi dẻ, ổi, ô rô gai, chõi, xen với tiếng chim, tiếng ve của mùa hè. 

Lưu ý: Vào mùa hè nắng nóng, nếu bạn có dự định khám phá đường đá cổ Chăm, bạn nên khởi hành vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để có trải nghiệm tốt nhất.

Làng Hang Dơi (làng hoang, hay làng ma) – Qúa khứ của những nếp nhà

Làng Hang Dơi thực chất là một bộ phận của làng Gò Cỏ (một trong bốn xóm, gọi là xóm trong). Làng được đặt theo cách gọi của người địa phương Gò Cỏ vì trong làng có một hang dơi. Đi từ điểm dừng chân gửi xe ở đầu làng, bạn tiến về đằng trước khoảng 20m sẽ thấy một lối đi dẫn lên làng Hang Dơi. Người dân trong làng đã bỏ đi vì nghèo đói, vì chiến tranh, để lại những ngôi nhà đổ nát, hoang vắng, có chút kì bí, lại có chút thương xót. Đồ vật trong nhà dường như vẫn còn được giữ nguyên, từ chiếc giường, chiếc gương, cái lược, bàn ăn, khiến ta hồi tưởng về cuộc sống của nếp nhà xưa.

Nhà tranh vách đất- Không gian sinh hoạt truyền thống ngày xưa

Ngoài những kiến trúc bằng đá do người Chăm Pa lưu lại, hiện nay tại làng Gò Cỏ còn một điểm hấp dẫn và thu hút khách tham quan – đó chính là những homestay được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống – nhà tranh vách đất. Không gian sinh hoạt ngày xưa được người dân nơi đây tái hiện lại một cách chân thực và sâu sắc nhất. Những mái nhà lợp bằng lá tranh, những vách nhà được xây bằng tre (mầm-trĩ) và được trét ngoài bằng đất sét trộn rơm rạ và nước… nội thất bên trong đa phần được chế tác từ tre là chủ yếu. Cùng với lối sống và cách sinh hoạt vốn như đã ngưng đọng lại từ người Chăm và người Sa Huỳnh xưa, tất cả sẽ mang lại cho du khách cảm giác gần gũi và chân thực. Cuộc sống không khói bụi và không có những âm thành xô bồ nơi thành thị, không khí trong lành, yên tĩnh là điều du khách có thể tận hưởng tại làng Gò Cỏ.

avatar

Quảng Ngãi 76

Quê hương tôi
Xem bài viết

Chuyên trang cung cấp thông tin nổi bật tại Quảng Ngãi, với đội ngũ biên tập viên đông đảo có kiến thức chuyên môn, cung cấp những thông tin hữu ích, chính xác và cập nhật liên tục.

Chuyên mục
Sức khỏe
2
Đặc sản
5
Việc làm
1
Ẩm thực
10
Du lịch
22

Đăng ký nhận tin tức từ chúng tôi

Chúng tôi sẽ không làm phiền bạn
Bài viết khác

Tỏi Lý Sơn

Image