Trường Lũy là một di tích kiến trúc, bao gồm các yếu tố: Thành lũy - đồn (bảo) - đường cổ, có giá trị văn hóa đặc biệt, là công trình kiến trúc dài nhất Đông Nam Á, đa dạng về chất liệu, có cấu trúc độc đáo, là biểu tượng cho công sức lao động và sáng tạo của nhân dân trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, là một tài nguyên du lịch hấp dẫn.
1.1. Lịch sử
Theo sử liệu, vào khoảng giữa thế kỷ XVI, một vài đồn (bảo) ở miền Tây Quảng Ngãi được Bùi Tá Hán (1496 - 1568) cho xây dựng để nhằm kiểm soát giao thương và bình định vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1750, khi được cử làm Tuần vũ Quảng Ngãi, Nguyễn Cư Trinh cũng tiếp tục cho xây dựng một số đồn (bảo) khác trên vùng đất này.
Tuy nhiên, để có một Trường Lũy dài hàng trăm km, nối kết hàng trăm đồn (bảo) lại với nhau, hình thành một hệ thống đồn - lũy liên hoàn, chạy từ huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam đến phía Bắc phủ Bồng Sơn tỉnh Bình Định, phải nhờ đến công sức của hàng ngàn binh lính và nhân dân các dân tộc của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đỉnh, đặc biệt là nhân dân các dân tộc Kinh, Hrên ở Quảng Ngãi cùng nhau xây dựng vào năm 1819 dưới sự chỉ huy của Tả quan Lê Văn Duyệt (1764 - 1832).
1.2. Cấu trúc và vị trí
Theo các bộ chính sử của triều Nguyễn, như Đại Nam thực lục, Quốc triều chỉnh biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí... thì Trường Lũy dài 117 dặm, 115 bảo, mỗi bảo có khoảng 10 lính canh gác, nhằm kiểm soát việc qua lại và giao thương giữa hai vùng.
Hiện nay, sau khi đi khảo sát và nghiên cứu toàn bộ tuyến lũy trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã xác định được 127,4 km Trường Lũy.
Trong đó, trên đất Quảng Ngãi có 113 km, trải dọc qua 08 huyện: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ và còn lại khoảng hơn 70 đồn (bảo) còn tương đối nguyên vẹn; tiêu biểu như: Di tích Thiên Xuân, di tích Khánh Giang (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành); di tích Rùm Đồn (Rừng Đồn) và di tích Đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành)...
Một số đoạn lũy tiêu biểu, như các đoạn lũy ở xã Trà Sơn, Trà Xuân, Trà Bình (huyện Trà Bồng), Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ (huyện Tư Nghĩa), xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành), xã Ba Động (huyện Ba Tơ)... Hầu hết là lũy, bảo xây hoàn toàn bằng đá. Độ cao trung bình của lũy là 2m, đáy trung bình 4m, bề mặt trung bình 1m.
Các đồn (bảo) phần lớn hình chữ nhật có chiều dài mỗi cạnh phổ biến 25 đến 30 mét độ cao trung bình tường đồn 4m, đáy 5m, bề mặt trung bình 1m.
1.3. Giá trị văn hóa và du lịch
Trường lũy trải qua nhiều địa hình khác nhau, từ vùng bằng phẳng đến sườn núi. Điều đó đã thể hiện được sự linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng của người xưa. Điểm đặc biệt trong việc xây dựng trường lũy đó là việc sử dụng đá để cốt đất và ốp lũy tạo nên một trường lũy vừa mạnh mẽ vừa uy nghiêm, thể hiện được nét đặc trưng của vùng đất Quảng Ngãi. Mặc dù đã tồn tại qua hàng trăm hàng ngàn năm lịch sử nhưng cho đến nay, trường lũy vẫn giữ được sự nguyên vẹn ban đầu.
Trường Lũy Quảng Ngãi không chỉ được xem là ranh giới mà còn là nơi giao thương quan trọng với các vùng xung quanh. Với mạng lưới các cổng cắt qua sông, suối, mỗi nơi lại có một bảo canh, tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán và trao đổi kinh tế giữa các miền.
Di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi không chỉ là một công trình quân sự mà còn là con đường kết nối giữa núi rừng, đồng bằng và biển. Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó mà vào ngày 10/3/2011, di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi đã được nhà nước ta công nhận là một trong những di tích lịch sử Quảng Ngãi được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đây là bài viết giới thiệu về di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi. Hy vọng bạn sẽ có thêm những thông tin giá trị từ bài viết này!
Quảng Ngãi 76
Quê hương tôiChuyên trang cung cấp thông tin nổi bật tại Quảng Ngãi, với đội ngũ biên tập viên đông đảo có kiến thức chuyên môn, cung cấp những thông tin hữu ích, chính xác và cập nhật liên tục.